Làm gì để có Hộ chiếu vaccine – Thẻ thông hành đặc biệt cho giai đoạn bình thường mới ?

16:00 22/04/2022 | 1480
Theo Bộ Y tế, từ ngày 15/4, mỗi người dân khi đã thực hiện đầy đủ từ các cơ sở tiêm chủng sẽ được cấp Hộ chiếu vaccine. Cụ thể, người dân cần làm gì để có được tấm "hộ chiếu" đặc biệt này?

Hộ chiếu vaccine là một chứng chỉ dưới dạng giấy hoặc kỹ thuật số, cho biết tình trạng tiêm ngừa Covid-19 hoặc kết quả xét nghiệm Covid-19 của mỗi cá nhân. Theo thông tin từ Bộ Y tế, những ai đã tiêm chủng và được cơ sở tiêm chủng cập nhật dữ liệu lên hệ thống sẽ được cấp Hộ chiếu vaccine mà không cần làm thủ tục gì thêm.

Cụ thể, quy trình cấp Hộ chiếu vaccine gồm 3 bước, do cơ sở tiêm chủng, hệ thống quản lý tiêm chủng và Bộ Y tế thực hiện.

Bước 1: Cơ sở tiêm chủng thực hiện rà soát, bổ sung, xác thực thông tin tiêm chủng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế.

Bước 2: Cơ sở tiêm chủng thực hiện ký số dữ liệu tiêm chủng vaccine trên Nền tảng Quản lý tiêm chủng Covid-19. Dữ liệu sẽ được đẩy về Hệ thống Quản lý cấp chứng nhận tiêm chủng vaccine phòng Covid-19.

Bước 3: Bộ Y tế thực hiện ký số tập trung chứng nhận tiêm chủng vaccine phòng Covid-19. Hộ chiếu vaccine của công dân sau đó sẽ hoàn tất, được hiển thị trên ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử, PC-COVID hoặc tra cứu trên Cổng thông tin do Bộ Y tế công bố trong thời gian tới.

Như vậy, mỗi người dân chỉ cần có ứng dụng PC-COVID hoặc Sổ Sức khỏe điện tử để có thể hiển thị Hộ chiếu vaccine của mình. Nếu không sử dụng hai ứng dụng trên, có thể tìm kiếm trên trang web của Bộ Y tế bằng cách nhập các thông tin như: họ tên, ngày sinh, giới tính, căn cước công dân, ngày tiêm gần nhất..., sau đó khai báo email cá nhân để nhận Hộ chiếu.

Với những trường hợp chưa được cấp Hộ chiếu vaccine do thiếu hoặc sai thông tin, cần phản ánh trên Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19, hoặc có thể liên hệ trực tiếp cơ sở tiêm chủng để chỉnh sửa thông tin.

Trong Hộ chiếu vaccine sẽ có các thông tin bao gồm: họ tên, ngày tháng năm sinh, bệnh dịch, số mũi tiêm, ngày tiêm, liều tiêm số bao nhiêu, sản phẩm vaccine..., các thông tin được đóng gói dưới dạng mã QR định dạng 2D. Mã QR sẽ hết hạn sau 12 tháng kể từ ngày khởi tạo, khi mã hết hạn, người dân được thông báo và hệ thống tự động khởi tạo mã QR mới để sử dụng.

Hộ chiếu vaccine điện tử của Việt Nam sử dụng các tiêu chuẩn do WHO và EU ban hành, hiện tại đang được sử dụng tại 62 quốc gia và trong thời gian tới sẽ có thêm các quốc gia khác sử dụng.


Từ khoá:

Các bài viết liên quan