Độc Đáo Lễ Hội Thả Diều Của Nhật Bản

10:23 13/03/2018 | 6170
Người Nhật tin rằng diều là biểu tượng của sự thăng tiến, niềm hy vọng và là sự thịnh vượng cho năm mới. Vì thế khi nhìn thấy những con diều bay cao thì lòng họ cũng cảm thấy phấn chấn hơn.

Diều được sáng tạo ra cách đây khoảng 2.000 năm ở Trung Quốc. Diều lần đầu tiên được du nhập vào Nhật Bản vào thời Heian (năm 794 – 1185), khi chúng được biết đến như “paper hawks” (những con diều hâu giấy) giống như ở Trung Quốc. Bởi vậy, người ta tin rằng diều được du nhập vào Nhật Bản từ Trung Quốc.

Hội thả diều được tổ chức vào tháng 5 hàng năm trên thành phố biển phía nam Tokyo. Có hàng nghìn, hàng vạn khách yêu thích diều từ khắp nơi trên đất nước đổ về đây để chiêm ngưỡng hoặc tham gia cuộc thi.

Khi vào cuộc thi, những cánh diều chao liệng rợp trời, trông thật rực rỡ và vui mắt. Người tham gia thi được phép buộc chặt một lưỡi dao cạo râu bén ngọt vào dây diều của mình để có thể cắt đứt dây diều đối phương để giành chiến thắng. Cánh diều bị cắt đứt trông như một cánh chim lìa đàn, chao liệng bay xa trong tiếng reo hò vẫy gọi, xuýt xoa của mọi người.

Vào khoảng thế kỷ thứ 7, khi những vị tu hành đạo Phật của Nhật Bản hành hương đến Trung Quốc và trở về cố đô Nara với những món đồ chơi lạ mắt. Đó chính là những con diều đầu tiên của người Nhật, và đương nhiên vào thời điểm đó, chúng là hàng “ngoại quốc”.

Và những con diều đầu tiên này được mô tả và thể hiện hình dáng của một số loài chim, với cách làm cũng như trang trí khá đơn điệu. Sau đó những người Nhật Bản đã tự chế tác ra những con diều, lúc này, chỉ với những con diều cỡ đại được làm ra nhằm sử dụng cho việc nâng người thợ mang các công cụ phục vụ cho việc trang trí mái đình, chùa của vùng. Đó là lý do trong rất nhiều bản khắc gỗ cổ còn lưu lại hình ảnh con người cùng những con diều lớn bay bổng trên bầu trời. Ấy là bởi nó xuất phát từ những hoạt động lao động có thực trong đời sống của người Nhật trong quá khứ.

Diều Nhật Bản được làm từ giấy washi với nhiều hoa văn trang trí màu sắc khắp thân diều, tùy theo dáng vẻ của con diều là hình: con mực, chim, cá, hay thậm chí là các nhân vật lịch sử… Hầu hết, các kiểu dáng trang trí của những chiếc diều được chế tác tại Edo được xem là đặc trưng nhất với những họa tiết trên thân diều là chân dung những diễn viên kịch kabuki, hay các geisha nổi tiếng.

Đây là lễ hội có ý nghĩa, được người dân Nhật Bản tổ chức hàng năm với mong muốn những đứa trẻ của mình sẽ lớn nhanh, thông minh và khỏe mạnh.


Từ khoá: du lịch nhật bản 2018 Lễ hội truyền thống Lễ hội Nhật Bản

Các bài viết liên quan