Có Một Tú Lệ Đẹp Mơ Màng Yên Bình Trong Sắc Trời Thu
16:36 09/10/2018 | 3322
Tú Lệ nằm giữa ba ngọn núi cao: Khau Phạ, Khau Thán và Khau Song, thuộc huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Vượt quốc lộ 32 trên đường tới Mù Cang Chải, qua Khau Phạ chênh vênh giữa đỉnh trời, phóng tầm mắt nhìn xuống ngút ngàn những thảm vàng bên dưới, ấy là Tú Lệ đang rộn ràng mùa thu hoạch trong nằm. Tú Lệ nằm trong thung lũng, được ôm trọn bởi những dãy núi cao sừng sững xung quanh, men theo những dòng suối nước rì rào chảy đêm ngày, vẽ nên một bức tranh thủy mặc mê động bước chân người. Đó là nơi sinh sống và canh tác của những người đồng bào dân tộc Thái, Mông, nơi mà cuộc sống bình yên cứ tiếp diễn qua từng ngày từng tháng, để mỗi lần đặt chân lên vùng đất đầy thơ ấy, người ta lại ngỡ ngàng trước cảnh sắc đẹp như mơ nhưng cũng ru lòng trong yên ả, thanh bình.
Tú Lệ mùa nào cũng đẹp nhưng có lẽ khi mùa thu gọi những đợt nắng trong veo rải trên khắp những nẻo đường miền biên viễn, người ta lại thấy một Tú Lệ đẹp mơ màng như người thiếu nữ đương thì vừa thức giấc sau cả ngàn năm ngủ quên giữa chốn đại Mùa thu về, cả Tú Lệ chìm trong biển lúa dập dờn. Không kỳ vĩ như những thửa ruộng bậc thang đưa người ta tới thiên đường ở Mù Cang Chải, những cánh đồng lúa bạt ngàn ở Tú Lệ e ấp nằm trong thung lũng yên bình nhưng cũng đủ để nhuộm cả một khung trời sắc vàng óng ả, lan dần ra xa theo từng cơn gió nhẹ như những đợt thủy triều nhấp nhô giữa biển khơi.
Những cánh đồng lúa ở Tú Lệ ngộ lắm, xen lẫn giữa những thửa lúa ươm vàng là sắc mạ non vừa cấy mơn mởn xanh tươi. Và trên nền bức tranh đượm sắc xanh vàng mùa lúa chín, ta lại bắt gặp những bản làng yên ả nép dưới rặng cây xanh, thấy những con đường đất ngoằn ngèo nơi sườn núi, thấy bóng dáng những cô gái Thái váy đen chấm gót, áo hồng áo xanh đang cần mần giữa đồng. Những mảng màu kì diệu cứ thế đan xen, như những họa tiết sống động trên tấm thổ cẩm rực màu của người đồng bào dân tộc, khiến người ta tự nhiên mà yêu thích, chẳng cần một lý do.
Lên Tú Lệ ngày thu, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những người phụ nữ Thái, Mông đang thoăn thoắt đôi tay gặt lúa vụ mùa, nhưng kìa ở thửa ruộng bên kia, có người lại vội vàng cày ải, vội vàng giắm những đợt mạ mới lên những khoanh đất màu mỡ đang loang nước. Đâu đó là những em bé lớn cũng đang miệt mài phụ giúp mẹ cha, lúc thì em gặt lúa, ôm lúa thành từng đống nhỏ, khi em lại chơi đùa cùng chúng bạn, chạy nhảy giữa những sóng lúa miên man. Nhưng có lẽ lay động lòng người nhất giữa mùa vàng Tú Lệ là hình ảnh những người mẹ địu con ở trên lưng. Bỗng nhiên sao nhớ tới những khung hình ta đã từng bắt gặp trong bài hát “Lời ru trên nương” của Trần Hoàn, những khung hình mà tuổi bé thơ ta cứ mãi tò mò.
Hình ảnh những người mẹ địu con giữa thung lũng lúa bạt ngàn, tay mẹ vẫn đều đều cắt từng khóm lúa đã ươm vàng, “mồ hôi mẹ rơi, má em nóng hổi, và em vẫn say sưa trong những giấc mơ về một cuộc sống ấm no. Có lẽ rằng đó là những khoảnh khắc linh thiêng nhất, những khoảnh khắc diệu kì khiến bất cứ ai trông thấy cũng phải xao lòng, bâng khuâng mãi. Mùa thu Tú Lệ đượm sắc lúa ươm vàng và nồng nàn hương cốm mới trong những bản làng quen. Cứ mỗi khi mùa gặt về, khắp các bản làng lại rậm rịch trong tiếng chày giã cốm. Cốm được làm từ nếp non, gói trong lá dong xanh, hạt cốm xanh tự nhiên như ngọc, rải trên tay trăm ngàn hạt như nhau và hương thơm ngây ngất cả một góc trời.
Người ta nói thứ nếp tan Tú Lệ dẻo ngọt, thơm ngon hiếm nơi nào có được mà họ gọi là nếp trời ban. Vậy nên nếu có dịp ghé một bản làng nào đó, nhớ mua thử thứ nếp ngọt ngon ấy và ngồi nghe những người bản địa kể về sự tích nếp tan từ những ngày xưa, ắt sẽ hạnh phúc, thi vị và bình yên lắm. Mùa thu Tú Lệ đẹp như thế đó, những thảm lúa vàng ươm nhuộm khắp cả núi đồi, nhịp sinh hoạt muôn đời nẻo rẻo cao Tây Bắc và tiếng cười nói rộn ràng trên những con đường nối làng nối bản. Tất cả tạo nên một bức tranh thơ nhuốm màu cổ tích qua những tháng năm, để lòng kẻ lữ hành miên man theo những xúc cảm không lời, say cùng đất trời Tây Bắc mỗi độ thu sang yên ả, thanh bình. Mùa thu đến rồi đó, mùa vàng Tú Lệ đã bung nở khắp núi đồi. Chần chừ chi nữa, để nhịp chân tiến bước thôi.